Không ăn chay có thiền được không?

Ăn chay và thiền là vấn đề được quan tâm rất nhiều khi chúng ta có ý định tập thiền. Câu hỏi được đặt ra tôi không ăn chay thì có thiền được không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần tìm hiểu bản chất của ăn chay và mối liên hệ giữa ăn chay và thiền tập.

Bản chất và mục đích chính của ăn chay

Ăn chay là không ăn các loại thực phẩm là thịt động vật, có nguồn gốc, được chiết xuất và chế biến từ thịt động vật ... mục đích chính của việc ăn chay là giảm sát sinh, giảm giết thịt là nguyên nhân chính gây đau khổ cho các loài động vật đồng thời tôn trọng sự sống của chúng sinh.

Ăn chay ở các tôn giáo có thể có quy định khác nhau bao gồm việc cho phép hoặc không cho phép ăn một số loại thịt đồng vật ... tuy nhiên bản chất vẫn là không ăn hoặc không ăn nhiều loại thịt động vật nhằm giảm và tránh sát sinh.

Ăn chay và thiền tập

Thiền tập không có quy định quý vị phải ăn chay, tuy nhiên thiền tập giai đoạn bắt đầu chú trọng vào tịnh tâm, vì khi tâm tịnh thì mới có thể tiến sâu và lĩnh hội được các công phu thiền tập cao hơn. Phương pháp để giúp tịnh tâm cơ bản nhất mà Đức Phật đã giới thiệu là chọn một nơi yên tĩnh, ngồi xếp bằng hoặc kiết già một cách thoái mái nhất, nhắm mắt lại thực tập phép "quán niệm hơi thở" để duy trì sự tập trung của tâm trí vào hơi thở giữa thân và tâm.

Khi mà tất cả các giác quan lắng lại, ta sẽ thấy tâm mình rõ ràng nhất, lúc này các vướng bận của tâm sẽ hiện lên gây trở ngại cho việc tịnh tâm, ví dụ như: tâm còn tham, sân, si ... tâm còn lo lắng, lo sợ, lo nghĩ ... tâm còn tơ tưởng, phóng giật ... và đôi khi ăn thịt cũng tạo cho ta sự lo lắng, bất an vì mình đã góp phần gây hại cho chúng sinh do đó ảnh hưởng đến thiền tập.

Tuy nhiên quý vị cũng đừng quá lo lắng vì Đức Phật cũng từng ăn thịt nhưng ngài chỉ ăn "ngũ tịnh nhục" khi không biết thịt đó giết vì mình. Phật giáo Nam tông hiện nay vẫn chiếu theo truyền thống khất thực từ thời Đức Phật tại thế, được cho gì thì ăn nấy kể cả thịt động vật. Do đó nếu quý vị chưa ăn chay được thì hãy cố gắng ăn thịt đã chế biến sẵn không phải vì mình mà giết thịt. Và nếu được hãy hướng tâm đến việc ăn chay được buổi nào hay buổi đó, vì mỗi buổi ăn chay ta đã giúp một phần vào giảm sát sinh, đây là cách tôi tiếp cận ban đầu trước khi ăn chay trường.

Như vậy không ăn chay cũng tập thiền được, nhưng nếu trong quá trình tập cảm thấy khó tịnh tâm và lâu tiến bộ thì quý vị hãy thử ăn chay và thực tập lại.

Ăn chay có được ăn trứng, hành, tỏi, tiêu, ớt, ngũ vị tân?

Đây là câu hỏi cũng có nhiều người thắc mắc, như trình bày bên trên, ăn chay là để giảm sát sinh, nếu là trứng gà công nghiệp chưa có thụ tinh thì vẫn chưa hình thành sinh mệnh do đó nếu không phải là tăng sĩ thì chúng ta vẫn có thể ăn được. Có người lại nói trứng gà công nghiệp không hoàn toàn chưa thụ tinh, vẫn có trứng đã thụ tinh lẫn vào, trường hợp này chúng ta nên dùng trí tuệ sáng suốt để nhìn nhận vấn đề nương theo "ngũ tịnh nhục" chúng ta đâu biết trứng đó đã thụ tinh hay chưa? hơn nữa một điều chắc chắn là sinh mệnh đang hình thành trong trứng đó sẽ không đau đớn, do chết từ trong trứng nên chưa tạo nghiệp gì xấu mà lại đã tạo phước cho người ăn nó, nên biết đâu lại được tái sinh ở hoàn cảnh tốt hơn? Do đó quý vị đừng phiền lòng khi ai đó bảo mình "ăn chay mà còn ăn trứng", thay vào đó chúng ta hãy mĩm cười nhẹ nhàng vì họ chưa hiểu được vấn đề, nếu có duyên chúng ta hãy nói cho họ hiểu những điều lành trên khi ăn trứng. Tuy nhiên tăng sĩ thì phải tham khảo lại quy định pháp môn và tu viện của mình.

Hành, tỏi, tiêu, ớt, ngũ vị tân cũng tương tự, cư sĩ, Phật tử và thiền sinh có thể ăn ... tuy nhiên tăng sĩ cần tham khảo thêm quy định của pháp môn vì các gia vị là chất gây kích thích có thể ảnh hưởng đến việc tu tập do đó mỗi pháp môn và tu viện có quy định riêng.

Cư sĩ Đường Minh.