Thiền định (Samatha meditation) có tác dụng trị liệu và phục hồi sức khoẻ rất cao, bởi vì phương pháp thực tập trong Thiền định có thể giúp trí não và toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi hoàn toàn.
Nhiều nghiên cứu khoa học và y học đã cho thấy rằng, sự lo âu, hoảng sợ và thiếu nghỉ ngơi làm cho cơ thể khó phục hồi hoặc không thể phục hồi trước bệnh tật. Bài viết sau sẽ hướng dẫn quý vị cách ứng dụng Thiền định để trị liệu và phục hồi sức khoẻ.
Nếu quý vị là người mới bắt đầu, quý vị có thể tham khảo Thiền cơ bản để thực tập bổ sung theo hướng dẫn sau.
Bấy lâu nay đầu óc, tâm trí chúng ta đa phần luôn "hướng ngoại", nghĩ đến tương lai, nghĩ về quá khứ, hướng đến những tiện ích, giải trí ... cho cuộc sống hoặc cũng có thể đầu óc tập trung vào công việc, kiếm tiền và học tập ... mà chúng ta quên mất cơ thể, thân và tâm của mình trong giây phút hiện tại.
Thực tập Thiền định sẽ giúp tâm trí ta quay về với cơ thể, khi tâm tịnh ta sẽ cảm nhận được cơ thể mỏi mệt hay ốm đau ra sao. Như một người đi làm xa lâu ngày, bây giờ quay trở về nhà, mới nhìn thấy mái nhà bị dột, bếp bị hư, thềm nhà hao mòn ... Tâm trở về với thân như đứa trẻ xa mẹ, nay có mẹ trở về quan tâm chăm sóc, nên đứa trẻ không còn cô đơn sợ hãi mà phát triển tốt hơn. Do đó ta cần thực tập Thiền định như sau để hướng tâm trở về chăm sóc cho thân, để cho thân (cơ thể) phục hồi như một liệu pháp trị liệu.
Mỗi ngày, trước khi ngủ 15-20 phút hoặc những lúc ta có thời gian nghỉ ngơi, ta nằm thoải mái trên giường, ta bắt đầu thực hành phương pháp Quán niệm hơi thở mà Đức Phật đã giới thiệu trong kinh điển từ rất sớm:
Nhận diện hơi thở: điểm cảm nhận hơi thở có thể ở ngay hai lỗ mũi hoặc nhân trung, hoặc bụng phình lên, xẹp xuống.
Thở vào, ta biết ta đang thở vào
Thở ra, ta biết ta đang thở ra
hoặc rút gọn
Vào, 1, 2, 3, 4 (đếm)
Ra, 1, 2, 3, 4
Thực tập thở vào thở ra khoảng 4-8 lần, hoặc nhiều hơn để cho tâm ý luôn nhận biết được hơi thở vào và hơi thở ra.
Nhận diện hơi thở dài:
Thở vào một hơi dài, ta biết ta đang thở vào một hơi dài
Thở ra một hơi dài, ta biết ta đang thở ra một hơi dài
hoặc rút gọn
Thở vào, 1, 2, 3, 4, 5, 6 (đếm)
Thở ra, 1, 2, 3, 4, 5, 6
Thực tập thở vào thở ra khoảng 4-8 lần, hoặc nhiều hơn để cho tâm ý đi theo hơi thở dài.
Ý thức toàn thân ta:
Thở vào, ta ý thức được toàn thân ta
Thở ra, ta biết toàn thân ta có mặt
hoặc rút gọn
Thở vào, toàn thân
Thở ra, tồn tại
Thực tập thở vào thở ra khoảng 4-8 lần, hoặc nhiều hơn để ý thức được toàn thân.
Sau khi hơi thở trở nên đều và nhẹ nhàng ta bắt đầu hướng tâm cảm nhận từng bộ phận của cơ thể như đầu, tai, mũi, họng ... và đặc biệt là các cơ quan nội tạng như: trái tim, phổi, bao tử, ruột, gan ... nếu ta cảm nhận được sự bất thường tức có dấu hiệu bất thường, tuy nhiên đừng lo lắng, nếu quý vị đặt bàn tay mình vào được những bộ phận đó một cách dễ chịu thì hãy đặt tay lên ví vụ như đặt tay lên trái tim, lên lá gan, lên khu vực bất thường ở bụng, ruột ... sau đó ta thực hiện phép thở:
Phép thở trị liệu:
Thở vào, trái tim nghỉ ngơi
Thở ra, trái tim phục hồi
hoặc
Tim ơi, nghỉ ngơi (thở vào)
Tim ơi, phục hồi (thở ra)
Hoặc nếu ta biết hoặc ta cảm nhận phổi có vấn đề ta thực tập:
Thở vào, lá phổi nghỉ ngơi
Thở ra, lá phổi phục hồi
hoặc
Phổi ơi, nghỉ ngơi (thở vào)
Phổi ơi, phục hồi (thở ra)
Tương tự cho các bộ phận khác, ta thực tập thở vào, thở ra nhiều lần cho mỗi bộ phận, lưu ý đây là phương pháp hướng tâm hỗ trợ trị liệu, tăng hiệu suất phục hồi, nếu quý vị thực tập cảm thấy có vấn đề hay có bệnh mà trên 1-2 tháng không bớt thì đi khám bệnh và vẫn phải uống thuốc điều trị theo liệu trình, ý kiến của bác sĩ và bệnh viện.
Cư sĩ Đường Minh.