Nhập môn thiền tập - thiền cơ bản

Sau khi bạn đã xác định được mục đích thiền của mình qua bài viết Thiền là gì và hành thiền để làm gì, đây sẽ là bài thiền tập đầu tiên của bạn.

Lưu ý quan trọng khi tập thiền: vì mỗi người chúng ta có tâm tư và thể chất khác nhau, do đó không nhất thiết phải tuân thủ tuyệt đối theo thầy nào hoặc cách thiền nào, chúng ta cần linh động, chọn lựa phương pháp thiền và vị minh sư phù hợp với mình nhất.

Dù quý vị chọn Thiền định hay Thiền quán thì bài tập thiền cơ bản đầu tiên vẫn luôn là tịnh tâm. Khi tâm tịnh thì toàn bộ có thể mới có sự nghỉ ngơi và phục hồi, và khi tâm tịnh thì sự sáng suốt bắt đầu xuất hiện, bởi vì tư duy của ta không bị chi phối bởi tâm động hay tâm loạn.

Chọn một nơi thật yên tĩnh như dưới gốc cây vắng người hoặc căn phòng trống, ngồi xếp bằng thẳng lưng với tư thế thoải mái nhất (nếu không ngồi kiết già được), có thể ngồi tựa lưng nhẹ trên cái ghế để giúp ngồi được lâu.

Hai tay thoải mái để úp lên đầu gối hoặc để theo thủ ấn thiền (hình bên dưới)

meditation-postures.png

Ảnh minh hoạ các tư thế ngồi thiền
Lưu ý không cần quá chính xác, thoải mái để ngồi được lâu là quan trọng nhất
Thủ ấn thiền Thủ ấn thiền
Các thủ ấn trong thiền của Phật giáo

Nhắm hai mắt lại một cách tự nhiên, thả lỏng toàn bộ cơ thể, thả lỏng đầu óc và không căng chân mày. Ta bắt đầu thực hành phương pháp Quán niệm hơi thở mà Đức Phật đã giới thiệu trong kinh điển từ rất sớm.

Phương pháp này được rất nhiều thầy phổ biến lại theo kinh nghiệm tu tập của mỗi thầy. quý vị có thể tham khảo Kinh quán niệm hơi thở của thầy Thích Nhất Hạnh.

Như đã trình bày, chúng ta cần linh động chọn lựa phương pháp thiền phù hợp, nên tôi sẽ giới thiệu phương pháp rút gọn mà tôi tổng hợp được từ kinh nghiệm thực tế theo nhiều phương pháp thiền khác nhau của các thầy. quý vị có thể thực hành các phép tập của tôi và các thầy đối chiếu để chọn làm phương pháp tốt nhất cho mình.

Nhận diện hơi thở: điểm cảm nhận hơi thở có thể ở ngay hai lỗ mũi hoặc nhân trung, hoặc theo dõi bụng phình lên, xẹp xuống.

Thở vào, ta biết ta đang thở vào.
Thở ra, ta biết ta đang thở ra.

hoặc rút gọn:

Vào, 1, 2, 3, 4 (đếm)
Ra, 1, 2, 3, 4

Thực tập thở vào thở ra khoảng 4-8 lần hoặc nhiều hơn để cho tâm ý luôn nhận biết được hơi thở vào và hơi thở ra.

Nhận diện hơi thở dài:

Thở vào một hơi dài, ta biết ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, ta biết ta đang thở ra một hơi dài.

hoặc rút gọn:

Thở vào, 1, 2, 3, 4, 5, 6 (đếm)
Thở ra, 1, 2, 3, 4, 5, 6

Thực tập thở vào thở ra khoảng 4-8 lần hoặc nhiều hơn để cho tâm ý đi theo hơi thở dài.

Ý thức toàn thân ta:

Thở vào, ta ý thức được toàn thân ta.
Thở ra, ta biết toàn thân ta có mặt.

hoặc rút gọn:

Thở vào, toàn thân.
Thở ra, tồn tại.

Thực tập thở vào thở ra khoảng 4-8 lần hoặc nhiều hơn để ý thức được toàn thân.

An tịnh toàn thân:

Thở vào, sáng suốt.
Thở ra, an tịnh.

hoặc rút gọn và thêm phép đếm số phía sau:

Sáng suốt, 1
An tịnh, 1
Sáng suốt, 2
An tịnh, 2
Sáng suốt, 3
An tịnh, 3 ...

Xem phép đếm này như Pháp ấn vô thường, quý vị có thể đếm mãi cho đến khi toàn thân an tịnh.

Đây là bài thiền tập cơ bản của Tâm Phật, khi mới bắt đầu tập thiền, chúng ta nên cố gắng thực hành toạ thiền trung bình khoảng 30 phút, nếu cảm thấy thật sự chưa ngồi được lâu thì khoảng 15-20 phút có thể mở mắt xả thiền một ít rồi bắt đầu lại.

Quý vị có thể thực tập thiền hằng ngày từ 30-45 phút hoặc hơn, quý vị sẽ cảm nhận mức độ an tịnh của thân và tâm. Năng lượng phục hồi và sự sáng suốt sẽ tăng theo công phu thiền tập của quý vị.

Cư sĩ Đường Minh.