Thiền và giấc ngủ

Có nhiều thông tin cho rằng thiền có lợi hơn giấc ngủ, thiền một giờ sẽ hơn giấc ngủ một giờ ... đây là nhận định chưa thật sự đúng và đầy đủ. Bài viết sau đây sẽ phân tích thiền và giấc ngủ trên lý luận có cơ sở khoa học giúp chúng ta hiểu sâu về bản chất của thiền và giấc ngủ từ đó giúp ích cho việc thiền tập và sinh hoạt trong đời sống hằng ngày.

Giấc ngủ

Ngủ theo các nghiên cứu khoa học là một hoạt động tự nhiên theo định kỳ của con người nói riêng và động vật nói chung. Giấc ngủ giúp toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, các cơ quan từ não bộ, cơ bắp đến nội tạng ... sẽ rơi vào trạng thái hoạt động ít nhất chỉ để duy trì sự sống.

Giấc ngủ sâu được cho là giấc ngủ không mộng mị, vì não thật sự được nghỉ ngơi không hoạt động để đưa ra những trải nghiệm ảo tưởng trong khi ngủ.

Nhiều nghiên cứu kết luận rằng con người ngủ từ 5-8 tiếng một ngày là đủ, tuỳ theo thể trạng và chất lượng giấc ngủ.

Thiền

Thiền theo nhiều nghiên cứu khoa học cũng tương tự giấc ngủ, nhưng là một hoạt động chủ động của con người, tuỳ vào các phương pháp thiền và công phu tập thiền của mỗi người thì trạng thái tạm ngưng hoạt động của toàn bộ cơ thể có mức độ khác nhau. Trong Phật giáo, Thiền quán do có sử dụng trí tuệ nhìn sâu và phân tích nên sẽ không có công năng phục hồi như Thiền định và giấc ngủ.

Thiền định và giấc ngủ

Khi thực hành và nghiên cứu sâu Thiền định ta sẽ thấy các giác quan và não bộ dần dần rơi vào trạng thái nghỉ, càng tiến gần đến Sơ thiền và định "Ly sinh hỷ lạc" thì mức độ nghỉ ngơi càng cao. Và khi đạt Sơ thiền cơ thể và não bộ sẽ ở trạng thái còn rất ít tầm (khởi lên ý niệm), tứ (suy tư về ý niệm), có cảm giác hỷ (niềm vui), lạc (hạnh phúc) và nhất tâm không loạn, điều này giúp toàn bộ cơ thể phục hồi mạnh mẽ, hơn cả giấc ngủ vì thường ta khó có giấc ngủ sâu để cho cơ thể nghỉ ngơi hoàn toàn.

Như vậy khi chưa đạt Sơ thiền, tâm trí còn nhiều suy nghĩ, tầm và tứ, tâm còn loạn thì công phu thiền tập lúc này chưa thể so với giấc ngủ được. Chúng ta vẫn phải ngủ đủ 5-8 tiếng mỗi ngày để có sức khoẻ hành thiền, đây cũng là nguyên nhân chính gây ra hôn trầm và ngủ gục khi thiền.

Cư sĩ Đường Minh.